Cập nhật ngày: 19/04/2024 16:53:13
Cập nhật ngày: 19/04/2024 16:53:13
Sáng ngày 05/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tiếp và làm việc với ông Kato Katsunobu, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Kato Katsunobu.
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự vui mừng khi được gặp lại ông Kato Katsunobu tại Hà Nội vào đúng thời điểm hai nước Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Bộ trưởng cho biết: Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, quan hệ lao động giữa Việt Nam – Nhật Bản đang từng bước được kết nối lại và có những kết quả tích cực trong thời gian gần đây.
Liên quan đến việc nghiên cứu, sửa đổi quy định tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài tại Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự tin tưởng, với tinh thần cầu thị và nhận định rõ xu hướng phát triển lĩnh vực nguồn nhân lực trên thế giới, phía Nhật Bản sẽ sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, để tạo dựng môi trường làm việc cho người bản địa cũng như người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản ngày càng tiến bộ, công bằng và hợp lý. Trong đó, cần thực sự đảm bảo các quyền của người lao động nước ngoài về thu nhập, bảo hiểm, các chế độ phúc lợi; đảm bảo các quyền chuyển đổi công việc một cách hợp lý, hài hòa lợi ích của cả chủ sử dụng và người lao động.
Đối với Chương trình lao động kỹ năng đặc định, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có số lượng thực tập sinh và người lao động lớn tại Nhật Bản. Điều này là minh chứng rõ nhất cho sự phù hợp của mối quan hệ lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản. Và hy vọng trong thời gian tới, hai bên sẽ tích cực chuẩn bị tốt cho các kỳ thi kĩ năng nghề, ngoại ngữ, dành cho thực tập sinh và người lao động đi làm việc theo chương trình này.
Còn Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (EPA) được triển khai từ năm 2012. Đến nay, hai bên đã hợp tác tổ chức 11 khóa đào tạo các ứng viên tại Việt Nam, đưa được 1.696 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản. Các ứng viên Việt Nam sau khi sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản được các cơ sở tiếp nhận, viện dưỡng lão Nhật Bản đánh giá cao về chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, tính cách, ý thức tích cực trong công việc...
“Được biết, hiện nay Nhật Bản đang rất thiếu lao động làm việc trong môi trường điều dưỡng và hộ lý. Tuy nhiên số lượng ứng viên đăng ký tham gia chương trình liên quan đến nhóm ngành này chưa được cao, do đây là ngành đặc thù mà đòi hỏi người lao động cần có chuyên môn tốt. Do đó, đề nghị phía Nhật Bản cần có các cơ chế đãi ngộ hợp lý, tương xứng hơn để thu hút được nhiều ứng viên Việt Nam tham gia chương trình này” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi.
Về phía Nhật Bản, ông Kato Katsunobu - Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã dành thời gian tiếp đón đoàn.
Ông Kato Katsunobu cho biết: Hiện nay, Nhật Bản đang triển khai việc nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật hiện hành liên quan đến Chương trình tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài sang Nhật Bản thực tập và làm việc (chương trình khung). Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi quy định này, hội đồng chuyên gia Nhật Bản đặc biệt chú ý tới mục tiêu chuyển giao kỹ thuật, đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, không chỉ đóng góp nhân lực cho Nhật Bản mà còn cho cả quốc tế.
Đối với vấn đề thay đổi chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định Bộ trưởng Kato Katsunobu chia sẻ, Nhật Bản đang hướng tới xây dựng một hệ thống mới để “bảo vệ và phát triển” nguồn nhân lực.
“Đây được coi là bước ngoặt mới của Nhật Bản trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Sắp tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện báo cáo cuối cùng trình Chính phủ Nhật Bản về những thay đổi của chương trình thực tập kỹ năng này’’ - Bộ trưởng Kato Katsunobu nhấn mạnh.
Cuối buổi tiếp, hai Bộ trưởng đã đồng ý với việc phía Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản sẽ thường xuyên trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình hợp tác giữa các bên để cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực thời gian tới đây./.
Ngày 18/10, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với đồng chí Bộ trưởng và đoàn công tác có các đồng chí: Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2021 - 2024, công tác giáo dục nghề nghiệp có nhiều tiến bộ, tổ chức đào tạo tiếp cận nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng lao động. Công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm có bước phát triển mới. Ước tính giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 230 nghìn người; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 93%; tạo việc làm mới khoảng 97 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức 2,2%.
Việc thực hiện chế độ ưu đãi, chăm sóc người có công và công tác đền ơn đáp nghĩa được tổ chức thực hiện kịp thời, toàn diện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trung bình mỗi năm, tỉnh bố trí khoảng 65 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huy động trên 10 tỷ đồng để thực hiện công tác người có công với cách mạng. Kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật; ban hành và thực hiện cơ chế chính sách của tỉnh về ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm các hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư.
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hướng tới người nghèo, đối tượng yếu thế nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có các chính sách như: Hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi; trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi; mở rộng độ tuổi và tăng mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi; trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ mai táng phí đối với người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo... Thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho trên 64 nghìn đối tượng với tổng số tiền khoảng 340 tỷ đồng/năm.
Các chính sách giảm nghèo của tỉnh được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là 2,55%, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,86%, dự kiến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,66%...
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề: Việc thực hiện chế độ đối với người có công với cách mạng; việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người dân về chế độ, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách; giải pháp xử lý tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội; vấn đề phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động sau khi ra tù…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn giới thiệu khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cùng với việc phát triển về kinh tế - xã hội, việc thực hiện chế độ ưu đãi, chăm sóc người có công và công tác đền ơn đáp nghĩa được tổ chức thực hiện kịp thời, toàn diện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hướng tới người nghèo, đối tượng yếu thế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành căn cứ vào ý kiến đóng góp của các đại biểu, khẩn trương tham mưu với UBND tỉnh thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế trong thực hiện chế độ bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm đầu tư một số công trình nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo trợ xã hội và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ghi nhận những kết quả trong công tác thực hiện cơ chế chính sách của tỉnh về ưu đãi người có công với cách mạng; công tác an sinh xã hội mà tỉnh đạt được thời gian qua. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ lao động để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Tỉnh rà soát ngay các trường hợp liệt sĩ chưa được cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" mà thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ ưu đãi từ ngày 31/12/1994 trở về trước, khẩn trương báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết. Tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo; chú trọng tới vấn đề quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội cho người lao động; quan tâm tới lĩnh vực trẻ em, chuyển đổi số…