Triều Tiên Đưa Quân Vào Ukraine

Triều Tiên Đưa Quân Vào Ukraine

Cả Ukraine và Hàn Quốc cùng khẳng định quân Triều Tiên đã có mặt tại Nga để hỗ trợ Moscow trong cuộc xung đột quân sự với Kiev. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng và Moscow cùng phủ nhận cáo buộc này. Mỹ tỏ ra lo ngại trước kịch bản quân Triều Tiên hiện diện trên chiến trường Ukraine.

Cả Ukraine và Hàn Quốc cùng khẳng định quân Triều Tiên đã có mặt tại Nga để hỗ trợ Moscow trong cuộc xung đột quân sự với Kiev. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng và Moscow cùng phủ nhận cáo buộc này. Mỹ tỏ ra lo ngại trước kịch bản quân Triều Tiên hiện diện trên chiến trường Ukraine.

Một trong những quân đội lớn nhất thế giới

Quân đội Triều Tiên (KPA) ước tính có 1,3 triệu lính chính quy, là một trong những quân đội lớn nhất trên thế giới, chỉ xếp sau các nước như Trung Quốc và Mỹ.

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết Triều Tiên cũng có khoảng 600.000 quân dự bị và 5,7 triệu quân dự bị Hồng vệ binh công-nông trong số nhiều đơn vị không vũ trang.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong chuyến thị sát căn cứ tên lửa chiến lược, ảnh do KCNA đăng tải hôm 23-10 - Ảnh: KCNA

Các lực lượng trong KPA bao gồm lục quân, không quân, hải quân và các lực lượng chiến lược được trang bị tên lửa đạn đạo có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Trong đó, lực lượng không quân Triều Tiên ước tính có khoảng 110.000 binh sĩ và hải quân có 60.000 binh sĩ.

Tất cả nam giới Triều Tiên trong độ tuổi từ 17-30 đều phải nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài từ 3-12 năm.

Một số thông tin cho rằng Triều Tiên đã là một trong 9 quốc gia trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân (cùng với Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh, Pakistan, Ấn Độ và Israel).

Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo một số tên lửa có thể gắn bom hạt nhân, từ vũ khí chiến thuật tầm ngắn đến tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), với tầm bắn có thể vươn tới bất kỳ nơi nào tại Mỹ.

Lực lượng xe tăng Triều Tiên trong cuộc diễu binh vào năm 2022 - Ảnh: AFP/KCNA

KPA cũng sở hữu lượng lớn thiết bị quân sự thông thường mặc dù nhiều trong số đó đã cũ, bao gồm xe tăng T-34 thời Liên Xô, các mẫu xe tăng của Trung Quốc cũng như các mẫu xe tăng sản xuất trong nước như Chonma-ho hay Songun-ho.

Theo Sách trắng quốc phòng năm 2022 của Quân đội Hàn Quốc, các đơn vị thiết giáp và cơ giới của KPA sở hữu hơn 6.900 xe tăng và xe bọc thép.

Lực lượng hải quân Triều Tiên (KPANF) có khoảng 470 tàu mặt nước, bao gồm tàu tên lửa dẫn đường, tàu phóng ngư lôi, tàu tuần tra cỡ nhỏ và tàu hỗ trợ hỏa lực.

Triều Tiên được cho là có khoảng 70 tàu ngầm, bao gồm các tàu lớp Romeo được thiết kế từ thời Liên Xô và tàu ngầm mini.

Trong vài năm trở lại đây, Triều Tiên đã có động thái tăng cường sức mạnh hải quân với các loại vũ khí hạt nhân mới, bao gồm phương tiện dưới nước không người lái, tàu chiến và tàu ngầm tên lửa đầu tiên đi vào hoạt động.

Theo IISS, không quân Triều Tiên có hơn 400 chiến đấu cơ, 80 máy bay ném bom hạng nhẹ và hơn 200 máy bay vận tải. Tuy nhiên nhiều máy bay trong số này có từ thời Liên Xô, một số có thể đã có tuổi đời từ 40-80 năm và không còn khả năng hoạt động hoặc không còn trong biên chế.

Nhiều người Triều Tiên đào tẩu muốn sang Ukraine để tác động tâm lí đồng hương

Nguồn hình ảnh, EPA-EFE/REX/Shutterstock

Một nhóm người đào tẩu Triều Tiên sinh sống tại Hàn Quốc đang vận động để thực hiện một sứ mệnh táo bạo chưa từng có: đi đến chiến trường ở Ukraine và giúp những người lính Triều Tiên đang chiến đấu ở đó đào ngũ.

Họ lập luận rằng sự hiểu biết sâu sắc của họ về tâm lý binh lính và cơ cấu của quân đội Triều Tiên có thể giúp họ có khả năng thuyết phục được các binh sĩ đào ngũ, những người mà họ tin rằng đã bị nhồi sọ để coi cái chết của mình là "vinh quang".

Việc Triều Tiên được cho là điều động khoảng 10.000 binh lính đến Nga để đánh nhau với quân đội Ukraine đã khiến những người đào tẩu ở Hàn Quốc lo ngại.

Nhiều người coi đây là động thái nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho đất nước và hiện đại hóa công nghệ quân sự của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Dù lính Triều Tiên từng được triển khai trong Chiến tranh Việt Nam vào những năm 1970, nhưng sự tham gia của họ trong cuộc chiến ở Ukraine đánh dấu lần đầu tiên quân đội Bình Nhưỡng tham gia vào chiến tranh hiện đại.

Về lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên - kéo dài từ năm 1950 đến năm 1953 - với sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên và Mỹ cho Hàn Quốc, và quan hệ giữa hai miền vẫn căng thẳng.

Ước tính có khoảng 34.000 người Triều Tiên đã đào tẩu xuống miền Nam kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt hơn 70 năm trước.

Hai tổ chức dân sự do những người đào tẩu Triều Tiên đứng đầu - Hiệp hội Binh sĩ Cơ đốc giáo Triều Tiên và Quân đội Đào tẩu Bắc Triều Tiên - đã đưa ra tuyên bố chung lên án "hành vi vô nhân đạo" của chính quyền Kim Jong-un và yêu cầu cho phép những người đào tẩu được phép đến Ukraine.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi vô nhân đạo của chế độ Kim Jong-un, đưa những người con của dân tộc làm bia đỡ đạn để thu về nguồn tài chính và hiện đại hóa vũ khí chiến tranh,” hai tổ chức này nói.

Sim Ju-il, một cựu sĩ quan và hiện là lãnh đạo Hiệp hội Binh sĩ Cơ Đốc giáo Triều Tiên, tin rằng sứ mệnh này đang rất cấp bách.

"[Những người lính Triều Tiên được điều động] có thể chiến đấu với ảo tưởng được truyền thụ từ nền giáo dục Triều Tiên, tin rằng 'Cái chết của tôi là vinh quang'. Chúng ta phải khiến họ nhận ra [rằng đó không phải là sự thật]," ông nói.

"Nếu tôi ra tiền tuyến, có lẽ tôi sẽ phải đối mặt với súng đạn cùng với những người lính Triều Tiên. Nhưng trọng tâm của tôi sẽ là giúp họ nhận thức về thực tế của chiến tranh," ông nói thêm.

Những người đào tẩu đề xuất nhiều phương pháp khác nhau để tiếp cận quân đội Triều Tiên được triển khai đến Nga, như sử dụng chiến tranh tâm lý thông qua việc thả truyền đơn bằng thiết bị bay không người lái, phát thanh qua loa phóng thanh và các chiến dịch trên mạng xã hội.

"Chúng tôi sẽ sử dụng thiết bị bay không người lái để phát truyền đơn và các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube. Nếu chúng tôi có thể đến gần tiền tuyến, chúng tôi có thể sử dụng loa phóng thanh để tiến hành chiến tranh tâm lý," Tiến sĩ Ahn Chan-il, giám đốc Viện Nghiên cứu Triều Tiên Thế giới và lãnh đạo Quân đội Đào tẩu Triều Tiên, cho biết.

Tiến sĩ Ahn, người từng phục vụ trong một trung đoàn dân phòng ở Triều Tiên, đặc biệt lo ngại về khả năng lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên có liên quan, bao gồm cả Quân đoàn Bão táp khét tiếng - một đơn vị được huấn luyện để xâm nhập, phá hoại cơ sở hạ tầng và ám sát - trong cuộc chiến ở Ukraine.

"Nếu hai hoặc ba sư đoàn của quân đội Triều Tiên được đưa [đến Nga], chúng tôi chắc chắn sẽ phải hành động. Đó là lý do cho tuyên bố này," ông nói.

Các báo cáo cho thấy một số người đào tẩu gần đây đã thành lập một tổ chức nhằm mục đích kích động những người lính Triều Tiên được triển khai đến Ukraine đào ngũ. Chiến thuật của họ bao gồm việc phát truyền đơn và đoạn ghi âm cho lực lượng Ukraine để hướng dẫn cách thoát khỏi tiền tuyến.

Các kế hoạch này đang vướng phải những trở ngại thực tế và ngoại giao. Bộ ngoại giao Hàn Quốc đã áp lệnh cấm đi đến Ukraine, người vi phạm có thể bị phạt tới một năm tù hoặc phạt tiền lên tới 7.000 USD.

Ngoài ra, còn có lo ngại rằng việc đưa những người đào tẩu sang Ukraine có thể khiêu khích Bình Nhưỡng và Moscow, từ đó làm mất ổn định an ninh khu vực.

"Tuyên bố rằng: 'Chúng tôi sẽ đi và chiến đấu' là điều tốt, nhưng thực tế việc điều động quân đội là vấn đề tế nhị về mặt quan hệ đối ngoại," Lee Min-bok, người đứng đầu Nhóm khinh khí cầu Triều Tiên, một nhóm người đào tẩu khác từ Triều Tiên, cho biết.

Một số người khác đặt câu hỏi về khả năng thuyết phục các binh sĩ Bắc Triều Tiên đào tẩu.

Lee Woong-gil, cựu thành viên của Quân đoàn Bão táp tinh nhuệ Triều Tiên, cảnh báo rằng những nỗ lực thuyết phục họ có thể phản tác dụng: "Nếu bạn cố gắng thuyết phục họ đào tẩu, họ sẽ bắn bạn ngay lập tức," ông Lee nói.

Ông này cũng lưu ý rằng một số người đào tẩu, đã sống ở Hàn Quốc nhiều năm, thiếu kiến thức cập nhật về động thái nội bộ của quân đội Triều Tiên.

Ông Sim từ Hiệp hội Binh lính Cơ đốc giáo Triều Tiên thừa nhận thách thức trong việc thuyết phục các binh lính khi tính kỷ luật và lòng trung thành đã ăn sâu vào quân đội Triều Tiên.

"Kim Jong-un muốn mọi người nói rằng: 'Quân đội Triều Tiên không phải là trò đùa' khi các đơn vị của ông ta đi [ra chiến trường] và chiến đấu tốt.”

"Có phải việc điều động quân đội Triều Tiên [chỉ] được lên kế hoạch trước một hoặc hai ngày không? Họ hẳn đã lên kế hoạch với Nga và được huấn luyện phù hợp," ông Sim nói.

"[Lính Triều Tiên] là những người quyết tâm và sẵn sàng chiến đấu dũng cảm và hy sinh vì lãnh đạo và đảng. Không phải là việc chỉ tập hợp những người không có tiền hoặc thức ăn rồi điều họ đi."

Đối với Tiến sĩ Doo Jin-ho của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, phương án phát thanh trực tiếp qua loa phóng thanh cũng rất rủi ro. "Ngay khi họ bật loa phóng thanh chống Triều Tiên, máy bay không người lái sẽ tấn công," ông cảnh báo.

Cựu thành viên Lực lượng Bão táp Lee Woong-gil đề xuất các phương pháp giao tiếp ít trực tiếp hơn.

Ông tin rằng các thông điệp video hoặc bản ghi âm có thể hiệu quả hơn so với tiếp xúc trực tiếp:

"Sẽ hữu ích hơn nhiều nếu gửi các video ngắn về những người đào tẩu Triều Tiên đã đến đây [Hàn Quốc] và đang sống hạnh phúc như thế này."

Vì binh lính Triều Tiên có thể gặp khó khăn khi tiếp cận các đoạn băng như vậy, ông Lee đề xuất gửi máy nghe nhạc MP3 hoặc điện thoại di động cũ có chứa các tệp này.

Nguồn hình ảnh, Chung Sung-Jun/Getty Images

Bất chấp những rủi ro và sự hoài nghi, những người đào tẩu vẫn kiên định với sứ mệnh của mình.

"Chúng tôi [những người đào tẩu] làm những gì chúng tôi tin là đúng. Thật ý nghĩa biết bao khi dành những ngày cuối đời để đóng góp theo cách này," ông Sim nói.

Trong khi kế hoạch của những người đào tẩu Triều Tiên vẫn đang được thảo luận, chính phủ Ukraine đã hành động.

Họ đã phát hành một video tuyên truyền nhằm vào những người lính Triều Tiên có nhan đề là “Một lời nhắn gửi đến những người lính của Quân đội Nhân dân Triều Tiên" trên các nền tảng như YouTube và Telegram.

Các Bộ Ngoại giao và Thống nhất của Hàn Quốc đã tuyên bố rằng họ "không có lập trường" về ý định của những người đào tẩu Triều Tiên muốn đến Ukraine.

Heorhii Tykhyi, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Ukraine, nói với BBC rằng những người đào tẩu Triều Tiên được "hoan nghênh" và khuyến khích tham gia "quân đoàn quốc tế của chúng tôi".

"Chúng tôi rất vui khi có họ tại Ukraine và hợp tác với họ. Kiến thức của họ về lực lượng Triều Tiên, ngôn ngữ và sự hiểu biết của họ về bản chất của quân đội Bình Nhưỡng có thể vô cùng có giá trị đối với chúng tôi," ông nói.

Ông cũng tuyên bố: "Việc [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đưa quân đội Triều Tiên vào cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine là một mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng, đòi hỏi một phản ứng từ toàn cầu."